![]() |
Al Hilal trở thành bất ngờ lớn nhất tại FIFA Club World Cup 2025. |
Al Hilal không đến FIFA Club World Cup 2025™để mơ mộng. Họ đến để thách thức, để khẳng định rằng Saudi Arabia không còn là kẻ đứng ngoài cuộc chơi, mà là người viết lại trật tự bóng đá toàn cầu.
Tại Club World Cup năm nay, hơn 20.000 cổ động viên Saudi Arabia đổ về Orlando (Mỹ), biến sân vận động Camping World thành pháo đài màu xanh – màu áo truyền thống của Al Hilal. Những tiếng hô vang “Al Hilal! Al Hilal!” kéo dài suốt hơn 30 phút sau trận đấu khiến người ta ngỡ như đang chứng kiến một cuộc diễu hành vô địch. Nhưng đội bóng này còn chưa vào chung kết – đó mới là điều đáng nói.
Không phải Lọ Lem, đây là một gã khổng lồ
Truyền thông quốc tế gọi Al Hilal là “Tom Thumb”, là “Cinderella” sau kỳ tích đánh bại Man City ở vòng 1/8. Nhưng nếu hiểu rõ Al Hilal, người ta sẽ nhận ra ngay họ chẳng phải hiện tượng một mùa. Đây là CLB thành công nhất lịch sử Saudi Arabia, với 4 chức vô địch AFC Champions League, 19 lần đăng quang quốc nội và chưa từng xuống hạng. FIFA từng công nhận họ là CLB xuất sắc châu Á trong thế kỷ 20 – một vinh dự không đội bóng nào trong khu vực có thể sánh bằng.
Al Hilal không bất ngờ mạnh lên. Họ được xây dựng bài bản, có chiều sâu và được hậu thuẫn bởi một dự án thể thao mang tầm quốc gia. Khi Quỹ đầu tư công (PIF) – cánh tay tài chính của hoàng gia Saudi Arabia – bắt đầu rót tiền vào bóng đá, mọi thứ đã thay đổi. Không chỉ Al Hilal, mà cả Al Nassr, Al Ittihad hay Al Ahli đều được nâng tầm. Sân chơi Saudi Pro League từ một giải đấu khu vực, đang vươn mình thành thế lực mới của bóng đá thế giới.
Cristiano Ronaldo – người mở đầu làn sóng siêu sao đến Saudi Arabia – từng gây tranh cãi khi tuyên bố: “Saudi Pro League nằm trong top 5 giải hàng đầu thế giới”. Ngày ấy, không ít người mỉm cười. Hôm nay, nụ cười ấy chuyển thành ánh nhìn ngờ vực. Vì Ronaldo có thể đang đúng.
![]() |
HLV Simone Inzaghi nâng tầm Al Hilal. |
Trong đội hình đầy ngôi sao của Al Hilal, người được nhắc đến nhiều nhất lại là HLV Simone Inzaghi. Chỉ sau 15 ngày dẫn dắt, ông làm nên chiến công chấn động – loại Man City khỏi giải. Khi bước vào và rời khỏi phòng họp báo, Inzaghi được các phóng viên Saudi vỗ tay như một vị tướng chiến thắng.
Ông nói: “Chúng tôi đã leo lên đỉnh Everest mà không cần oxy”. Một hình ảnh vừa ngạo nghễ, vừa phản ánh đúng thực tế: Al Hilal vượt qua đối thủ mạnh nhất, bằng bản lĩnh và chiến thuật xuất sắc.
Điều đáng nói là, họ làm điều đó không nhờ một khoảnh khắc bùng nổ, mà bằng cả hệ thống vận hành mạch lạc. Dù Neymar – bản hợp đồng đình đám – vắng mặt vì chấn thương, Al Hilal vẫn trình diễn thứ bóng đá tổ chức và hiệu quả. Biểu tượng thực sự trên sân là Salem Al Dawsari – ngôi sao bản địa, người được xem là huyền thoại sống của đội bóng.
Từ biểu tượng đến bản sắc
Trước mỗi trận đấu, người hâm mộ vẽ hình trăng lưỡi liềm – biểu tượng của CLB – lên tay, lên má, lên cờ. Một nữ cổ động viên trẻ tên Shana giải thích: “Đây là thứ khiến chúng tôi khác biệt. Là niềm tự hào”. Trong thế giới bóng đá hiện đại, nơi danh tiếng và tiền bạc chi phối, Al Hilal vẫn giữ cho mình một bản sắc riêng – sự gắn bó với cộng đồng, với giá trị quốc gia và tinh thần Saudi.
![]() |
Al Hilal đang khiến tất cả phải dè chừng. |
Câu chuyện của họ không đơn giản là hành trình bóng đá. Đó là sự kiện chính trị, văn hóa và chiến lược.
Saudi Arabia đang dùng bóng đá để tái định vị hình ảnh quốc gia trên bản đồ thế giới. World Cup 2034 đang nằm trong tầm tay họ. Và Al Hilal – với chuyến hành trình tại Mỹ – chính là lá cờ đầu cho khát vọng đó.
Bước tiếp theo sẽ là Fluminense, rồi có thể là Chelsea hoặc Palmeiras. Xa hơn nữa là sân khấu New York – New Jersey, nơi diễn ra trận chung kết. Những người hâm mộ Saudi không che giấu kỳ vọng. “CLB này luôn chiến thắng. Vì sao lần này lại không?”, một cổ động viên nói.
Và họ có lý do để tin. Al Hilal không đến để góp mặt. Họ đến để tranh cúp. Và nếu kịch bản kỳ diệu xảy ra, bóng đá thế giới sẽ phải viết lại bản đồ quyền lực – bắt đầu từ một đội bóng mang biểu tượng trăng lưỡi liềm, đến từ vùng sa mạc.