![]() |
Luis Enrique từng lọt vào tầm ngắm của Chelsea. |
Luis Enrique – HLV của Paris Saint-Germain – hoàn toàn có thể đã ngồi ở băng ghế huấn luyện của Chelsea, nếu mọi chuyện rẽ theo hướng khác cách đây hai năm.
Giá như…
Tháng 4/2023, Enrique đáp chuyến bay tới London để đàm phán với Chelsea sau khi CLB sa thải Graham Potter. Khi ấy, ông nằm trong danh sách ứng viên cùng với Julian Nagelsmann và Ruben Amorim. Nguồn tin cho biết Enrique gây ấn tượng mạnh với ban lãnh đạo “The Blues”, nhưng cuối cùng họ lại chọn giải pháp tạm quyền với Frank Lampard rồi trao ghế chính thức cho Mauricio Pochettino.
Enrique sau đó luôn né tránh nói về cuộc gặp ấy. Khi bị hỏi ở sân bay Barcelona, ông chỉ cười: “Nếu các anh múa haka thì tôi sẽ trả lời. Tôi vừa về từ Formentera – đảo thiên đường”.
Bây giờ nhìn lại, trong bối cảnh Enrique đang giúp PSG bay cao và chơi thứ bóng đá đỉnh cao bậc nhất thế giới, Chelsea có lẽ không thể tránh khỏi câu hỏi day dứt: “Giá như…”
![]() |
Luis Enrique đang giúp PSG bay cao. |
Tất nhiên, cần nhớ rằng khi ấy Enrique không ở đỉnh cao phong độ. Tuyển Tây Ban Nha của ông vừa bị Morocco loại khỏi World Cup 2022 sau màn trình diễn kiểm soát vô nghĩa: hơn 1.000 đường chuyền mà không ghi nổi bàn. Người ta cho rằng ông đã lạc nhịp với bóng đá hiện đại.
Nhưng những HLV lớn luôn biết thay đổi. Hai năm qua, Enrique không chỉ tái sinh PSG mà còn tự làm mới chính mình.
Đội bóng từng nổi tiếng vì cái tôi lớn giờ là tập thể đoàn kết, kỷ luật và chơi thứ bóng đá tốc độ, trực diện và dữ dội. Không còn Messi, Neymar hay Mbappe. Enrique có toàn quyền xây dựng hệ thống của riêng ông – điều mà chưa HLV nào ở Paris từng có được.
Kết quả? Một PSG trẻ trung nhưng lỳ lợm, có tổ chức nhưng đầy sáng tạo. Đội hình của Enrique là một trong những hệ thống pressing mạnh nhất châu Âu, với những Ousmane Dembele, Kvaratskhelia, Desire Doue… bùng nổ ở mọi không gian.
Đó không chỉ là cuộc cách mạng trên sân cỏ, mà còn trong phòng họp chuyển nhượng. PSG, dưới tay Luis Campos – một trong những giám đốc thể thao giỏi nhất thế giới – đã chia tay 22 cầu thủ đội một, đón về 20 gương mặt mới, tiêu tốn hơn 600 triệu bảng. Và họ làm điều đó để phục vụ triết lý bóng đá, chứ không phải chỉ để mua danh tiếng.
Duyên nợ
Thật trùng hợp, đối thủ của PSG trong trận chung kết lại là Chelsea – đội bóng cũng đang trong hành trình tái thiết, và cũng theo đuổi mô hình trẻ hóa triệt để.
Dưới thời sở hữu của Clearlake Capital, Chelsea chi tiêu hơn 1 tỷ bảng trong hai năm, ban đầu là những cái tên nổi như Sterling hay Koulibaly, sau đó nhanh chóng xoay trục sang các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển và giá trị chuyển nhượng cao.
Họ cũng tạo ra bộ máy bóng đá mới với Laurence Stewart và Paul Winstanley – hai nhân vật từng làm việc tại Monaco và Brighton – cùng với Joe Shields và Sam Jewell.
![]() |
PSG đang chơi thứ bóng đá đẳng cấp. |
Nhưng sự khác biệt rõ ràng vẫn nằm ở đẳng cấp. PSG có trụ cột giàu kinh nghiệm như Marquinhos (31), Fabian Ruiz (29) hay Dembele (28). Chelsea thì không – cầu thủ lớn tuổi nhất trong đội hình là Tosin Adarabioyo, mới 27 tuổi. PSG chi lương cao; Chelsea lại áp dụng hệ thống lương theo hiệu suất, để giảm rủi ro trong dài hạn.
Và trên băng ghế chỉ đạo, sự chênh lệch càng rõ hơn: Luis Enrique – người từng vô địch Champions League với Barcelona – đối đầu Enzo Maresca, HLV vừa bước vào mùa giải đầu tiên ở cấp độ đỉnh cao. Dù vậy, Maresca đã có một năm đáng khen. Ông giúp Chelsea vô địch Conference League, trở lại Champions League, và giờ là trận chung kết Club World Cup. Với một đội hình non trẻ, điều đó là không dễ dàng.
Trung vệ Levi Colwill phát biểu trước trận: “Hầu hết mọi người đều nghĩ PSG sẽ thắng, nhưng trong phòng thay đồ chúng tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi không phải Inter, không phải Real Madrid. Chúng tôi sẽ mang đến điều khác biệt”.
Colwill không nói suông. Chelsea của Maresca dám chơi thứ bóng đá kiểm soát, pressing tầm cao và trung thành với triết lý positional play (vị trí hóa). Họ không dựng xe buýt, cũng không đá theo kiểu cầu may. Dù đối thủ có là PSG thì cũng vậy.
Chelsea thu về gần 90 triệu bảng từ giải đấu tại Mỹ – một khoản thưởng quý giá. Nhưng hơn cả tiền bạc, trận đấu với PSG là bài kiểm tra chất lượng nhất cho dự án mà họ đang theo đuổi.
Và nếu muốn biết khoảng cách giữa “đang xây dựng” và “đã hoàn thiện” là bao xa, họ không cần nhìn đâu khác ngoài băng ghế đối diện – nơi Luis Enrique đang đứng, và từng suýt nữa trở thành người của họ.
Đó là bóng đá – nơi những lựa chọn nhỏ có thể dẫn đến những khác biệt lớn. Và rạng sáng 14/7, trên sân MetLife, có thể là lúc Chelsea một lần nữa tự hỏi: “Giá như năm đó, chúng ta chọn Enrique?”.