![]() |
Cầu thủ Nhật Bản xuất hiện tại Anh ngày càng nhiều. |
Đằng sau xu hướng này là một cuộc cách mạng thầm lặng mang tên Project DNA – chiến lược đào tạo hiện đại đang biến Nhật Bản thành mỏ vàng mới của bóng đá châu Âu.
Làn sóng cầu thủ Nhật sang Anh ngày càng nhiều
Tottenham vừa hoàn tất thương vụ chiêu mộ trung vệ trẻ Kota Takai từ Kawasaki Frontale với mức phí 5 triệu bảng – con số tưởng nhỏ, nhưng lại đánh dấu cột mốc lớn. Mức giá cao nhất từng được trả cho một cầu thủ chuyển ra từ J.League.
Nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Đây là một mắt xích trong làn sóng chuyển nhượng từ Nhật Bản sang nước Anh – một xu hướng đang bùng nổ và được thiết kế một cách có chủ đích.
Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt cầu thủ Nhật Bản đang tỏa sáng khắp các sân cỏ xứ sở sương mù. Từ Wataru Endo (Liverpool), Daichi Kamada (Crystal Palace), đến Kaoru Mitoma (Brighton) – tất cả đều là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc của bóng đá Nhật Bản.
Chưa dừng lại ở đó, Championship và League One cũng chứng kiến những cái tên như Ao Tanaka, Tomoki Iwata hay Tatsuhiro Sakamoto bền bỉ khẳng định mình. Khắp nước Anh, từ giải đấu cao nhất đến thấp hơn, ở đâu người ta cũng thấy bóng dáng cầu thủ Nhật Bản thi đấu.
Và rồi người ta bắt đầu đặt câu hỏi: Vì sao Nhật Bản? Vì sao các CLB Anh lại tìm đến một thị trường xa xôi, vốn từng bị xem là “nội địa hóa” và ít cạnh tranh? Câu trả lời nằm ở một dự án âm thầm nhưng đầy tham vọng: Project DNA – được khởi xướng từ năm 2016 bởi Liên đoàn Bóng đá Nhật (JFA) và ban tổ chức J.League.
![]() |
Minamino từng có thời gian khoác áo Liverpool, và hiện chơi cho AS Monaco. |
“DNA” ở đây là viết tắt của Developing Natural Ability – phát triển năng lực tự nhiên. Trong khi FA cũng từng có dự án tương tự, người Nhật đi xa hơn khi quyết tâm thay đổi tư duy đào tạo truyền thống vốn quá nặng tính tập thể và thứ bậc. Một đất nước luôn đề cao trật tự, nơi câu thành ngữ “cái đinh nhô lên sẽ bị đóng xuống” từng ăn sâu vào tư duy, nay lại chủ động nâng đỡ những cá nhân xuất chúng.
Nhưng người Nhật không làm điều đó một mình. Họ mời Terry Westley – cựu giám đốc học viện West Ham – cùng cộng sự Adam Raimes sang Nhật để trực tiếp “đập đi xây lại” hệ thống đào tạo trẻ.
Việc đầu tiên người Nhật làm là một cuộc khảo sát quy mô toàn quốc: đánh giá năng lực của 60 CLB tại ba hạng đấu chuyên nghiệp. Và họ nhanh chóng phát hiện ra “mỏ vàng” Kawasaki Frontale – cái nôi sản sinh ra Kaoru Mitoma, Tomoki Iwata và giờ là Kota Takai.
Westley kể lại lần đầu gặp Takai: một trung vệ cao 1,93 mét, còn gầy gò nhưng sở hữu tố chất đặc biệt. “Cậu ấy khiến tôi nhớ đến Matthew Upson ngày còn trẻ. Vẫn còn khung xương non, nhưng tư duy chơi bóng thì vượt xa bạn bè đồng trang lứa”, ông Wetley nói.
Từ những tài năng như Takai, một triết lý mới ra đời: phát triển kế hoạch cá nhân hóa cho cầu thủ tuổi 16-20, thay vì rập khuôn theo giáo án đội hình. Một lần nữa, Nhật Bản thách thức truyền thống để phục vụ tương lai. Sáu năm sau, kết quả đã hiện rõ: thế hệ cầu thủ Nhật vừa kỹ thuật, vừa chăm chỉ, vừa cá nhân, vừa tập thể.
Cầu thủ Nhật Bản xuất hiện khắp nơi ở châu Âu
Sự thay đổi đó nhanh chóng được các CLB châu Âu phát hiện. Celtic là đội tiên phong.
Nhờ HLV Ange Postecoglou – người từng dẫn dắt Yokohama F. Marinos – họ chiêu mộ hàng loạt cầu thủ Nhật như Kyogo Furuhashi, Daizen Maeda, Reo Hatate và Iwata. Ngay cả khi Ange sang Tottenham, Celtic vẫn giữ thói quen “săn” ở xứ sở mặt trời mọc, mới đây họ vừa ký với Hayato Inamura và đang nhắm đến Shin Yamada.
![]() |
Mitoma là một trong những quân bài đáng chú ý của Brighton thời gian qua. |
Ở cấp độ rộng hơn, các giải đấu như Áo và Bỉ trở thành điểm trung chuyển lý tưởng. Anderlecht, Red Bull Salzburg hay Westerlo đều sở hữu cầu thủ trẻ Nhật và biến họ thành món hàng tiềm năng cho thị trường lớn. Việc Takumi Minamino từng đi từ Osaka tới Salzburg rồi tới Liverpool là ví dụ không thể rõ ràng hơn.
Với riêng Takai, chàng trai 20 tuổi này không chỉ dừng lại ở tiềm năng. Anh khoác áo đội tuyển quốc gia, góp công lớn trong chiến dịch giành vé sớm dự World Cup 2026. Tại AFC Champions League, Takai thi đấu nổi bật khi giúp Kawasaki đánh bại Al Nassr của Cristiano Ronaldo với tỷ số 3-2 – trận đấu đưa tên tuổi anh ra ánh sáng.
Tottenham không cần chờ lâu để hành động. Giám đốc Kỹ thuật Johan Lange, một người nhạy bén, “ghim” Takai vào danh sách từ sớm. Và với mức giá 5 triệu bảng, đây là một canh bạc mà phần thắng có vẻ đã nghiêng hẳn về Spurs.
“Một cầu thủ như thế ở châu Âu có thể được cho mượn để thu về cả triệu bảng mỗi năm. Thật điên rồ khi các CLB Nhật vẫn bán rẻ như vậy”, ông Westley nhận xét.
Tuy nhiên, thời kỳ “mua rẻ” từ Nhật có thể sắp kết thúc. Khi các tài năng trẻ lần lượt thành danh ở châu Âu, định giá cầu thủ Nhật chắc chắn sẽ tăng. Điều đó vừa là thách thức, vừa là sự công nhận cho Project DNA – một kế hoạch thầm lặng nhưng đã thay đổi diện mạo bóng đá Nhật, đồng thời mở ra một “hành lang Đông-Tây” mới trên bản đồ chuyển nhượng toàn cầu.
Và rồi, người Anh có thể sẽ phải học lại một điều cũ: đôi khi, muốn tìm thứ tốt nhất, bạn phải đi rất xa – tới tận Nhật Bản.